• Site
  • Web
Tìm
Chi tiết tin tức
Nâng cấp hệ thống y tế cơ sở: Khó cũng phải làm
Người đăng: ... .Ngày đăng: 27/09/2018 .Lượt xem: 341 lượt.
Từ khi tổ chức thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT), người dân thường lựa chọn những bệnh viện (BV) tuyến trên để khám chữa bệnh. Từ đó, nảy sinh tình trạng hầu như các trạm y tế xã (TYT) ở trên địa bàn chỉ còn mỗi chức năng làm y tế dự phòng.

Còn lại, người dân đều tìm đến các cơ sở y tế đầy đủ tiện nghi hơn để khám chữa bệnh. Đối với những trung tâm y tế (TTYT) huyện, việc cơ sở vật chất kỹ thuật xuống cấp, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao khiến cho việc khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn..., gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên nhưng lại đìu hiu ở tuyến dưới. Sở Y tế đã xây dựng đề án cho từng giai đoạn cụ thể để giải quyết những vướng mắc, từng bước nâng cao chất lượng các cơ sở y tế. Tuy nhiên, để thực hiện được thì vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước.

Phát triển y tế cơ sở, nhất là đối với vùng núi có tầm quan trọng rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

CHƯA ĐÁP ỨNG NHU CẦU NGƯỜI BỆNH

Việc người dân lựa chọn các cơ sở y tế tư nhân hoặc các BV chất lượng để khám chữa bệnh xuất phát từ thực trạng y tế cơ sở chưa thể đáp ứng được nhu cầu.

Không thiếu, nhưng yếu

Theo thống kê của Sở Y tế, hiện nay mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh có đầy đủ 18 TTYT huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là TTYT) trong đó có 4 TTYT huyện không có bệnh viện; 244 TYT xã, phường, thị trấn (gọi chung là TYT) với đội ngũ y tế thôn bản trên toàn tỉnh. Tại tuyến huyện, đến nay có hơn 50% các TTYT được đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng đảm bảo hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Về nhân lực, có 1.605 cán bộ y tế làm việc tại 19 đơn vị tuyến huyện, cơ cấu trình độ đại học và sau đại học có 495 người, chiếm 30,8% (trong đó bác sĩ có 380 người, chiếm 23,6%, dược sĩ đại học 38 người, chiếm 2,3%); cao đẳng, trung cấp y và dược có 895 người, chiếm 55,7%; cán bộ chuyên môn khác còn lại chiếm 13,5%... Những con số đó chứng tỏ mạng lưới nhân lực y tế cơ sở đã và đang được đầu tư khá tốt. Tuy nhiên, việc đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn để khám chữa bệnh cho người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này lý giải cho việc, khi thông tuyến BHYT, người dân thường chọn các cơ sở y tế tuyến trên thay vì điều trị ở nơi gần ngay địa phương của mình.

Việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao hay cơ sở vật chất kỹ thuật chính là hạn chế của y tế cơ sở. “Hiện nay, chỉ một số ít bệnh viện tuyến huyện được đầu tư phát triển một số kỹ thuật của tuyến trên (như phẫu thuật nội soi tiêu hóa, sản phụ khoa, kết hợp xương đơn giản...). Nhiều khi có máy móc thiết bị nhưng lại không có người vận hành nên đành chịu. Có những trường hợp gãy tay, ghép xương đơn giản, các bác sĩ có thể làm được nhưng cũng phải chuyển lên tuyến trên vì không đủ thiết bị” - bác sĩ Trần Văn Thu - Giám đốc TTYT huyện Nam Trà My cho biết.

Đó cũng là tình trạng chung của các đơn vị y tế cơ sở trên địa bàn: có thiết bị kỹ thuật nhưng thiếu người vận hành, hoặc ngược lại có người nhưng không có thiết bị. “Như TTYT Điện Bàn hàng ngày vẫn tiếp nhận 500 - 700 lượt người tới khám nhưng không có nơi cho các bệnh nhân lưu trú nên không thể làm gì khác. Nếu được đầu tư đúng mức thì TTYT vẫn có thể đảm đương việc khám chữa bệnh cho người dân mà không chuyển tuyến, vừa chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân vừa giảm tải cho các BV tuyến trên” - bác sĩ Ngô Thoại - Giám đốc TTYT Điện Bàn cho hay. Ở vùng đồng bằng, các TYT xã, phường giờ hầu hết chỉ đảm nhận chức năng làm y tế dự phòng. Việc khám chữa bệnh chỉ dừng ở những ca đơn giản, bệnh kinh niên và tổ chức tiêm chủng định kỳ hàng tháng cho trẻ em.

Để các tuyến y tế có năng lực đều nhau thì cần phải có một lộ trình phát triển thích hợp.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Riêng các TYT ở miền núi luôn đông người bệnh đến khám do cách xa các cơ sở y tế tuyến trên. Tuy nhiên, với năng lực, quy mô hiện tại của các TYT miền núi, việc một ngày phải thăm khám nhiều bệnh nhân lại khiến cho công việc trở nên khó khăn hơn. Một cán bộ TYT xã Tam Thành (Phú Ninh) cho biết: "Trung bình mỗi ngày trạm tiếp nhận 35 - 45 bệnh nhân, trong khi trạm lại không đủ điều kiện để phục vụ, buộc phải chuyển lên tuyến trên. Cả trạm chỉ có 5 cán bộ y tế và 1 bác sĩ tăng cường mỗi tuần 2 buổi từ TTYT huyện nên khó đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân. Vì vậy, hầu như chỉ sơ cứu rồi chuyển tuyến”.

Tương tự, ở TYT xã Tam Lãnh (Phú Ninh) mỗi ngày cũng đón 35 - 40 lượt bệnh nhân đến khám, chủ yếu về các bệnh khớp, huyết áp hay cấp cứu khi xảy ra tai nạn. “Trạm đã có máy điện tim tuy nhiên lại không có người có chuyên môn để sử dụng. Trạm cũng không có bác sĩ nào” - bà Bùi Thị Thanh Truyền - Trưởng TYT xã Tam Lãnh cho hay.

“Người gác cổng”

Trong cuộc họp mới đây với Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh, ở đất nước nào, thu nhập ra sao đều phải có hệ thống TYT thực hiện khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu, làm nhiệm vụ “người gác cổng”. Vì vậy, cần phải nâng cấp cơ sở vật chất, cơ chế tài chính để giúp TYT giải quyết được những tồn tại. Hiện nay, người dân chưa tin tưởng chất lượng y tế tuyến cơ sở do 3 nguyên nhân chính: năng lực của cán bộ y tế, cơ sở vật chất chưa tốt, đặc biệt là mức chi trả của BHYT đối với TYT quá thấp. Bệnh nhân chỉ mắc bệnh hơi nặng nhưng trạm chưa đáp ứng được thuốc nên buộc người dân phải vượt tuyến lên trên, góp phần gây nên tình trạng quá tải BV. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin, hệ thống TYT sẽ được đầu tư về mọi phương diện như nhân lực (ít nhất mỗi trạm một bác sĩ), trang thiết bị, cơ sở vật chất, cách thức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, giúp thăm khám và phát hiện bệnh sớm, chuyển đúng tuyến nếu cần thiết, lúc này BHYT sẽ chi trả đúng 100% trong danh mục BHYT. Nếu vượt tuyến thì người dân phải đồng chi trả. Bộ Y tế cũng đang xây dựng thí điểm 24 TYT của 8 tỉnh theo mô hình chuẩn theo nguyên lý y học gia đình rồi nhân lên cả nước.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Giám đốc TTYT Hội An cho biết, vai trò khám chữa bệnh ban đầu của một TYT xã, phường là rất nhỏ, tuy nhiên, công tác y tế dự phòng thì lại rất quan trọng. “Các chương trình mục tiêu quốc gia hay những đợt tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ mang thai, chăm sóc trẻ em, quản lý y tế học đường, quản lý sức khỏe người cao tuổi, vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP, quản lý các bệnh xã hội như: HIV, lao, phổi, tâm thần, da liễu, mắt học đường... đều do TYT phụ trách. Vì vậy, cần phải có TYT để thực hiện những điều này” - bà Anh nói.

Đối với các huyện miền núi, việc đi lại khó khăn, thường xuyên bị chia cắt mỗi khi mưa lũ thì vai trò của các TYT là tối quan trọng. “Khi người dân không có điều kiện tiếp cận các cơ sở y tế hiện đại thì các TYT chính là nơi đầu tiên bà con tìm đến mỗi khi bị bệnh. Ở Nam Giang, với các xã vùng biên giới thì TYT lại càng quan trọng hơn trong việc giải quyết, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Họ phải được cấp cứu kịp thời bước đầu rồi mới có thể chuyển lên tuyến trên” - ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay. Cũng theo ông Sơn, để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân 8 xã biên giới, UBND tỉnh đã cho xây dựng Phòng khám đa khoa khu vực Cha Vàl (xã Chà Vàl, huyện Nam Giang).

TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA Y TẾ CƠ SỞ

 

 

Sự quá tải ở các BV tuyến trên hay các BV tư nhân khiến cho việc chăm sóc sức khỏe người dân trở nên khó khăn hơn; việc thất thoát BHYT cũng như lạm dụng thuốc ở một số cơ sở y tế cũng đã nảy sinh. Chính vì thế, việc phát triển y tế cơ sở như một bước chạy đà để dần dần giải quyết những vướng mắc hiện tại.

Do chưa thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh nên các TYT tại các thành phố, thị xã thường rất vắng bệnh nhân. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Nâng tầm y tế cơ sở

Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Vai trò của y tế cơ sở hiện nay không ai có thể phủ nhận, và phải có giải pháp phát huy hơn nữa vai trò đó. Trong đề án nâng cao chất lượng y tế cơ sở mà Sở Y tế vừa trình UBND tỉnh, có đề ra kế hoạch cụ thể cho từng cấp, từng đối tượng. Quan điểm là phải triển khai các giải pháp khả thi, phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Không phải cứ đổ vào một đống tiền là có thể giải quyết được mọi chuyện, mà phải bắt đầu từ căn cơ, thiếu hay yếu cái gì, giải pháp ra sao... phải cụ thể thì mới làm được”.

Nhiệm vụ được Sở Y tế đặt ra chính là từng bước nâng cao chất lượng ở mỗi cấp y tế cơ sở. Đối với TTYT phải tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo theo ê - kíp chuyên môn sâu, phát triển các dịch vụ kỹ thuật y tế... Bên cạnh đó xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn, khuyến khích y tế tư nhân tham gia công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. “Giờ xã hội phát triển hơn nhiều, không phải cứ chăm chăm vào nguồn ngân sách của Nhà nước nữa. Vậy nên tranh thủ kêu gọi từ nguồn xã hội hóa. Anh có điều kiện phát triển y tế, tôi cho anh một cơ chế để cùng phát triển. Và ở đây, người dân được hưởng lợi nhất khi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn” - ông Hai nói thêm.

Đề án của Sở Y tế cũng nêu rõ, các TYT phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu như: quản lý sức khỏe toàn diện, tập trung vào việc theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em; phòng chống các bệnh lây nhiễm... Điều đặc biệt là trong thời gian tới sẽ tổ chức thí điểm mô hình bác sĩ gia đình tại một số TYT để theo dõi, quản lý, chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và hộ gia đình. Cạnh đó, lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình vào TYT để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện, gắn kết giữa chăm sóc sức khỏe tại nhà, cộng đồng với chăm sóc sức khỏe tại TYT và BV, đặc biệt đối với các bệnh không lây nhiễm (đái tháo đường, tăng huyết áp...), bệnh mạn tính.

Còn nhiều khó khăn

Để thực hiện được những mục tiêu của đề án thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người và cơ sở vật chất kỹ thuật. Hiện nay, tại tuyến huyện, việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến còn rất hạn chế do đội ngũ bác sĩ có tay nghề, chuyên môn sâu còn thấp (123/359), một số lĩnh vực chưa được đào tạo đầy đủ như ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh... Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc TTYT Tây Giang cho hay: “Trang thiết bị y tế đầu tư cho tuyến huyện chủ yếu là nhóm trang thiết bị thiết yếu, cơ bản, còn thiếu trang thiết bị hiện đại như: máy siêu âm màu 3D - 4D, hệ thống phẫu thuật nội soi, hệ thống X-quang kỹ thuật số, máy sinh hóa tự động... Bên cạnh đó, công tác đào tạo nâng cao trình độ, đào tạo chuyên ngành, đào tạo ê - kíp chuyên môn sâu, đào tạo lại, liên tục vẫn còn ít nên tồn tại nhiều khó khăn đối với một huyện miền núi như chúng tôi”.

Đối với tuyến xã, mới chỉ có 56,5% số TYT có bác sĩ (138 bác sĩ), cơ cấu đội ngũ chưa đảm bảo, chất lượng hoạt động còn hạn chế. “Vì vậy, trong thời gian tới, sở đã kiến nghị tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng cho 72 TYT, xây dựng mới cho 58 TYT từ các nguồn vốn ngân sách, nông thôn mới, vốn ODA... Đồng thời mua sắm bổ sung trang thiết bị cho các TYT để phát triển y tế cơ sở, nhất là khi triển khai mô hình quản lý sức khỏe điện tử hay mô hình bác sĩ gia đình sắp tới” - ông Hai cho hay.

CẦN CÓ LỘ TRÌNH THÍCH HỢP

Đề án phát triển y tế cơ sở giai đoạn 2018 – 2025 vừa được Sở Y tế đệ trình UBND tỉnh, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 1.900 tỷ đồng. Phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận ý kiến chung quanh đề án này.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Võ Hồng: Quan trọng nhất là yếu tố con người

Hiện nay, nhiều chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế đã được đưa ra với nhiều đãi ngộ hấp dẫn. Nhưng hãy xem có được bao nhiêu bác sĩ chịu về các cơ sở y tế tuyến huyện, xã để công tác? Làm gì thì làm nhưng điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo về yếu tố con người. Có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật mà không có người vận hành thì cũng như không. Vì vậy, cần phải cân nhắc các chế độ đãi ngộ, thu hút hay đào tạo tại chỗ ra sao cho phù hợp thì mới có nguồn nhân lực cho tuyến y tế này. Một khi có đầy đủ con người thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.

Việc phát triển y tế cơ sở là cần thiết, đó là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, làm đến đâu, làm ra sao và hiệu quả như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Đây là cả một quá trình, nên cần phải có lộ trình cụ thể, làm từng bước. Cái gì cần thiết, khả thi thì ưu tiên làm trước, sau đó mới tính đến chuyện khác.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hai: Phát triển y tế cơ sở làm nền tảng

Việc phát triển y tế cơ sở hiện nay theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, trong đó đã nêu rõ: ưu tiên tập trung phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giải quyết căn bản tình trạng quá tải BV. Đó cũng là mục tiêu căn bản mà Bộ Y tế đã quán triệt trong thời gian qua.

Thực tế, không phải đến khi có đề án này thì Sở Y tế mới chú trọng phát triển y tế cơ sở, mà trước đó đã triển khai nhiều chương trình để từng bước nâng cấp. Hiện nay, sở đã triển khai mô hình quản lý sức khỏe người dân bằng hồ sơ điện tử, và sắp tới là mô hình bác sĩ gia đình; xem xét có thể thăm khám, chữa bệnh tại nhà cho một vài trường hợp đặc biệt. Và cả trong 2 mô hình này thì y tế cơ sở là then chốt.

Sở Y tế sẽ tổ chức thí điểm mô hình bác sĩ gia đình tại 23 TYT xã, phường. Mục tiêu đến 2020 có 80 TYT xây dựng mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, đạt tỷ lệ 32,7%; đến 2025 có 122 TYT, đạt tỷ lệ 50% TYT triển khai theo mô hình này. Còn đối với các huyện miền núi sẽ xem xét cải tạo, xây mới một số TYT theo chuẩn mới để khám chữa bệnh cho đồng bào ở đây tốt hơn. Xa hơn nữa là những dự tính khác.

Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà: Tăng cường nhân lực cho y tế miền núi

Đối với một huyện miền núi thì việc phát triển các TYT đủ chuẩn là hết sức cần thiết. Bởi ở đây đường sá đi lại khó khăn nên nếu các TYT đủ điều kiện để cứu chữa ngay tại chỗ những bệnh thông thường thì sẽ giảm tải cho TTYT huyện rất nhiều. Đặc biệt, nữ hộ sinh tại các nơi này vẫn còn thiếu, trong khi cơ bản nhất người dân trên này chính là việc cấp cứu khi sinh nở. Hiện tại, có nhiều xã vẫn chỉ có 3 cán bộ phụ trách một TYT xã nên công việc sẽ không được đảm bảo chất lượng. Nếu có thể thì nên bổ sung nguồn nhân lực ở cơ sở để tăng cường năng lực cho việc khám chữa bệnh cho người dân miền núi.

Giám đốc TTYT Tây Giang Nguyễn Huy Thông: Đầu tư thiết bị cho tuyến huyện

Tuyến TTYT huyện có thể nói là tuyến áp cuối để cứu chữa cho người bệnh. Vì nếu TTYT Tây Giang chuyển bệnh lên tuyến trên như Đà Nẵng hay Tam Kỳ cũng mất gần 200km nên rất khó đảm bảo sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên, thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh đến nay vẫn còn hạn chế. Như phẫu thuật nội soi tiêu hóa hay các kỹ thuật ghép xương... mặc dù có cán bộ y tế đủ năng lực để thực hiện nhưng lại chưa có thiết bị máy móc. Nếu có những dụng cụ cần thiết này thì số ca phải chuyển tuyến sẽ được hạn chế, vì rất nhiều bệnh ở vùng núi là về tai nạn lao động, gãy tay, gãy chân...

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN DƯƠNG

 

Nguồn tin: Báo Quảng nam
[Trở về]

Các tin mới hơn:
Xã đảo Tam Hải “chờ” nước sạch (23/09/2024 )
Xã Tam Giang nhất toàn đoàn Giải cầu lông - cờ tướng đảng viên huyện Núi Thành (23/09/2024 )
Cẩm Nhung, nữ sinh Núi Thành thủ khoa đầu ra ngành Tâm lý học VNU-USSH (23/09/2024 )
Lan tỏa lòng nhân ái từ "Bếp chay 0 đồng" ở thị trấn Núi Thành (23/09/2024 )
Núi Thành vinh danh những tấm gương hiếu học, dạy giỏi (19/09/2024 )
Núi Thành: bảo đảm an toàn neo đậu tàu, thuyền ứng phó mưa bão (19/09/2024 )
Núi Thành: Tiếp nhận 173 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục thiên tai (19/09/2024 )
Áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh, sắp mạnh lên thành bão (18/09/2024 )
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão (18/09/2024 )
Hàng trăm ngôi mộ ở xã Tam Hải có nguy cơ biến mất do sạt lở (17/09/2024 )
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Lạ lẫm suối Nà Nghệ... (14/09/2018 )
GIẢI VIỆT DÃ TRUYỀN THỐNG BÁO QUẢNG NAM MỞ RỘNG LẦN THỨ XXII NĂM 2018 CÚP AGRIBANK - Chờ đợi cuộc đua khối ngành (14/09/2018 )
Nhớ Lưu Quang Vũ (11/09/2018 )
Chọn lựa thu hút khách du lịch (11/09/2018 )
Cơ hội kết nối du lịch Quảng Nam (10/09/2018 )
Cấp chứng chỉ nghề cho 100 phạm nhân Trại giam An Điềm (10/09/2018 )
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ (10/09/2018 )
Nam thanh niên ở Tiên Phước được Google trả 727.000 USD đã nộp thuế (10/09/2018 )
Nhộn nhịp thị trường đồ chơi trung thu (10/09/2018 )
Thực phẩm từ vườn (10/09/2018 )
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
http://www.nuithanh.quangnam.gov.vn


Xem lịch âm