• Site
  • Web
Tìm
Chi tiết tin tức
Rừng chết!
Người đăng: Kiều Nguyễn .Ngày đăng: 12/07/2021 .Lượt xem: 281 lượt.
Không phải một màu xanh mướt phủ lên rừng ngập mặn. Đối diện với mênh mông nước nơi cửa biển, những thân cây khô héo chỉ chực một đợt khua sóng mạnh, là gãy…

Chỉ còn những gốc bần, mắm cổ thụ đang cố sống sót.Ảnh: H.T
Được ví như báu vật của vùng biển phía nam, thế nhưng những cánh rừng ngập mặn Tam Giang (Núi Thành) lại đang phải chịu cảnh chết mòn. Đặc biệt, từ sau cơn bão số 9 năm ngoái đến nay, số lượng cây chết không thể đếm hết...
Rừng của làng
Nằm sát cảng cá An Hòa, thôn Đông Xuân vốn có diện tích rừng ngập mặn nguyên sinh nhiều nhất của xã Tam Giang. Giờ đến đây thấy những con đò gối đầu lên xương cây đen đúa đã toan mục ruỗng. Không chộn rộn của một vùng đất cảng, những ngôi nhà nằm dọc theo triền đập vắng lặng.
May thay, chúng tôi đặt chân đến đầu làng vừa lúc một người đàn ông đi lưới về. Trên chiếc ghe khá nhỏ so với nghề cào mình làm hằng ngày, ông Phúc nói cua cá rốt đi đâu hết. “Cả buổi sáng được mô chừng 3 ký ghẹ xanh đây. Sáng trăng ghẹ nhiều mà đi từ sớm bửng được chừng đó” – ông Phúc mở lời.

Tam Giang hiện có đến 5 héc ta rừng chết. Ảnh: X.H
Một cuộc trao đổi chớp nhoáng diễn ra, ông Phúc đồng ý đưa chúng tôi luồn vào sâu cánh rừng bần, rừng đước đang héo rũ này. Đôi tay người đàn ông nửa đời đi biển này đã quá quen với con nước nông sâu. Trong khi chúng tôi “toát mồ hôi hột” với từng đợt “cua gắt” xoáy qua những gốc bần rải rác gần cảng cá, thì ông Phúc cứ chép miệng tiếc về những thân cây đang chết mòn chết dần.
Qua từng gốc bần cổ thụ còn lại giữa nơi rừng nước mênh mông này, ông Phúc dường như nắm rõ từng loại với tuổi đời sinh trưởng của cây. Ngày trước cây cối dày đặc nên chim bay về trú ngụ, thủy hải sản sinh sôi mạnh. Chính nguồn lợi tự nhiên này trở thành sinh kế cho những người như ông Phúc nuôi sống gia đình.
Cùng với những người dân như ông Liêm, khu rừng của cộng đồng làng hồi sinh bằng quy chế quản lý nghiêm ngặt. Từ đó đến nay Tam Giang còn thêm hai lần nhận được các dự án khôi phục lớn: từ 2014 - 2015, Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam đã vận động người dân trồng, chăm sóc được 27,45ha rừng. Năm 2019, một đề tài khoa học được Viện Sinh thái và bảo vệ công trình (Bộ Tài nguyên - môi trường) triển khai, tiểu phần tại xã Tam Giang đã cùng người dân trồng lại diện tích lớn rừng ngập mặn.
Cả khu rừng thôn Đông Xuân hồ như còn lại gần năm chục cây bần với đường kính hơn 50cm nằm rải rác từ đầu đến cuối cánh rừng. Theo những người lớn tuổi trong làng thì tuổi thọ của nó không dưới 150 năm. Cùng với Tam Hải, Tam Giang là một trong những địa phương của Quảng Nam có rừng ngập mặn nguyên sinh còn tồn tại.
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh trong rất nhiều nghiên cứu của mình đưa ra con số khá lớn về tổng diện tích rừng ngập mặn của huyện Núi Thành: có đến 55,56ha rừng ngập mặn, phân bố dọc bãi bồi, bờ đê của các con sông chảy qua 6 xã và thị trấn. Trong đó, rừng ngập mặn Tam Giang chiếm số lượng lớn nhất với 29,538ha.
Lần theo ký ức của những người lớn tuổi trong làng, trong cơn sóng nước nơi cửa sông cửa biển này, một bức tranh về rừng tự nhiên như được khơi dậy. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Chính có nhiều đời ở tại Đông Xuân, nên theo ông, đất này giống như một ốc đảo, bốn phía sông nước bao quanh. Do đó, mỗi đợt mưa bão ập đến, nhà cửa tan hoang, đất đai, đê điều bị sóng đánh tan tành. Nhưng may mắn, khu rừng ngập mặn nguyên sinh với diện tích gần 30ha còn sót lại đã bảo vệ bà con trong thôn.
“Từ ngày tôi lớn lên đã thấy rừng rồi, cha ông truyền lại rằng, thủa trước người dân Tam Giang thường xuyên đối diện với mưa bão. Mỗi lần lũ lụt thì rác thải từ sông Trường Giang ập vào làng, ruộng đồng bị bồi lấp, nhà cửa, mồ mả bị sạt lở. Để cứu làng, những thế hệ trước trồng cây chắn sóng như mắm, bần, đước và cứ theo năm tháng, nó lớn lên và sinh sôi phát triển, thành rừng ngập mặn này” - ông Chính kể.

Thế nhưng rừng của Tam Giang cũng trải qua khá nhiều đợt lận đận, thậm chí đứng bên bờ vực xóa sổ. Những năm 80 của thế kỷ trước, khắp nơi rộ lên phong trào “nhà nhà làm muối, người người làm muối”. Để có đất sản xuất cánh đồng muối, diêm dân Tam Giang chẳng mảy may suy nghĩ đã đốn hạ những cánh rừng.
Để rồi lúc thất bát với vựa muối vào giữa thập niên 90, thêm một cơ số diện tích rừng nữa tiếp tục biến mất khi người làng chuyển sang giấc mơ đổi đời với con tôm. Phải đợi đến đợt “đại phục hồi” vào năm 1995, cánh rừng này mới thực sự sống lại. Vợ chồng ông Lương Văn Liêm là một trong những người đầu tiên góp sức khôi phục lại những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn bây giờ.
Ông Liêm nhớ lại: “Khoảng năm 1995, người ta chán không làm muối nữa bỏ lại những cánh đồng trơ trọi. Vợ chồng tôi từ làng bên đến đây ở thấy xót quá nên chèo ghe đi mót từng gốc bần nhỏ về cắm xuống. Qua mỗi mùa hạt rụng, cây con chen chúc nhau mọc lên như nấm sau mưa”.
Kêu cứu cho rừng
Rác bủa vây dọc theo bìa rừng. Không hiểu từ đâu, những bọng rác khá lớn tấp vào bờ này. Ông Phúc sau một hồi đưa chúng tôi chòng chành quanh vài gốc bần cổ thụ, thì vội vã tấp ghe vào bờ. “Nước ròng, tàu lớn vào đậu thì không có chỗ leo lên đâu” - ông cảnh báo. Nước ô nhiễm, cây chết, kéo theo con tôm con cá cũng không thèm “ngụ”. Và đây là điều khiến cư dân địa phương đau đáu nhất.
Ông Phúc nói, sống ngay khu vực này hơn 30 năm, từng con nước lớn nước ròng ông hiểu hết, nhưng nguyên nhân tại sao những cây đước cắm xuống hơn mấy năm nay lại thi nhau chết thì ông không hiểu được. Cũng vậy, tâm tư của ông Liêm không ngoài chuyện rừng chết dần từ năm ngoái đến nay.
“Hồi trước có mấy người dùng xung điện, kích thủy hải sản trong rừng, chúng tôi đã yêu cầu phải ngừng ngay. Nhưng họ là người của địa phương khác, không phải dân ở đây. Giờ vẫn còn tình trạng đó, nhưng họ đi đêm, dân mình không quản được” - ông Liêm nói. Nhưng đó, vẫn chưa phải là nguyên nhân khiến hàng loạt diện tích rừng Tam Giang chết dần.
Chúng tôi tìm gặp khá nhiều người dân sống dọc theo bìa rừng của Đông Xuân. Họ nói, những dự án hỗ trợ cây giống trồng tại rừng ngập mặn, họ đều không được tham gia ý kiến, cho đến khi cây con hoặc giống được giao về địa phương. Ông Liêm nói, kinh nghiệm dân bản địa như ông thì biết chắc rằng, con nước ở đây không phù hợp với giống cây đước như tại khu vực Cẩm Thanh (Hội An).
Trong các nghiên cứu trước đây về phục hồi rừng ngập mặn Núi Thành, các nhà khoa học chỉ ra rằng, rừng ngập mặn nguyên sinh tại Tam Giang và Tam Hải có cấu trúc ba tầng tán. Tầng cao nhất là loài mắm trắng và đước, tầng thứ hai là tầng có chiều cao trung bình gồm các loại vẹt dù, bần chua. Tầng thứ ba có chiều cao thấp nhất là các loài mắm quăn.
Sự phân bổ các loại thực vật rừng ngập mặn cũng có sự thay đổi theo độ mặn. Tại nơi có độ mặn cao, quần xã ưu thế là mắm quăn và bần chua, nơi có nồng độ mặn thấp là quần thể dừa nước...
Do vậy, suy tư của những người dân như ông Liêm hay ông Phúc về chuyện trồng giống cây chưa phù hợp không phải không có cơ sở. Nhưng đó cũng chỉ là một lý giải cho hiện tượng chết hàng loạt cây trong khu rừng báu vật của làng.
Thống kê từ UBND xã Tam Giang, từ tháng 9 năm ngoái đến nay, có hơn 5ha rừng ngập mặn không còn khả năng sinh tồn. “Chúng tôi có 25ha rừng ngập mặn trên thực tế qua điều tra của xã, được phân bố đều ở phía đông và tây của xã. Thế nhưng từ sau cơn bão số 9 của năm 2020, một số khu vực rừng ngập mặn, cụ thể là cây mắm bị chết ướt, sơ bộ khoảng 5ha” - ông Phạm Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Tam Giang chia sẻ.
Ông Châu cho rằng, hơn 1/4 diện tích rừng ngập mặn đang mất khả năng tồn tại, ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái môi trường của địa phương. Ngay giữa tháng 6, UBND xã Tam Giang đã gửi báo cáo đến UBND huyện Núi Thành đề nghị khảo sát và có giải pháp bảo vệ, tôn tạo diện tích rừng ngập mặn tại xã này. Nhưng gần 1 tháng qua, vẫn chưa thấy động thái nào từ phía huyện.
Ngay đầu làng, đoạn những cây bần, cây mắm cổ thụ còn lại đang cố “vẫy vùng” để xanh. Những khuôn viên hàng quán hồ như mở ra để đón đầu du khách đến rừng ngập mặn nguyên sinh này, im ỉm cửa đóng then cài. Hình như người dân nơi này cũng đang đợi một cuộc hồi sinh, bắt đầu bằng việc cứu lấy những cánh rừng...
XUÂN HIỀN - QUỐC TUẤN
Nguồn: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:
Bộ NN&PTNT hướng dẫn gỡ "vướng" triển khai chương trình nông thôn mới (Ngày đăng: 19/10/2023 )
[VIDEO] - Khánh thành Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Nam (Ngày đăng: 10/10/2023 )
[VIDEO] - Núi Thành kỷ niệm 40 năm thành lập huyện (Ngày đăng: 21/08/2023 )
[VIDEO] - Ra mắt mô hình Cửa hàng OCOP nông thôn tại xã Tam Tiến (Ngày đăng: 18/08/2023 )
[VIDEO] - Đấu thầu khai thác 2 tuyến phà tại xã đảo Tam Hải (Ngày đăng: 10/08/2023 )
[VIDEO] - Hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế tại cảng hàng không Chu Lai (Ngày đăng: 12/06/2023 )
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: "Quảng Nam cần cơ chế thuận lợi hơn để quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai" (Ngày đăng: 05/10/2022 )
Điện lực Núi Thành (PC Quảng Nam): Đảm bảo cấp điện kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trên địa bàn huyện Núi Thành (Ngày đăng: 08/07/2022 )
Một ngư dân Núi Thành bị tai nạn lao động trên biển (Ngày đăng: 15/03/2022 )
Núi Thành tái phát dịch tả lợn châu Phi (Ngày đăng: 25/11/2021 )
Các tin cũ hơn:
Theo dõi rừng qua cách tiếp cận hiện đại (Ngày đăng: 12/11/2018 )
Thúc đẩy thương mại điện tử khu vực ASEAN (Ngày đăng: 12/11/2018 )
Ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cộng đồng (Ngày đăng: 30/10/2018 )
Siêu bão Yutu xuất hiện gần Biển Đông (Ngày đăng: 30/10/2018 )
http://www.nuithanh.quangnam.gov.vn


Xem lịch âm