Mới đây, tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Văn Mau cho biết, để tạo điều kiện cho huyện có thêm nguồn lực đầu tư phát triển, thực hiện các định hướng, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã quyết nghị, Huyện ủy đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho huyện từ nguồn thu tiền sử dụng đất phát sinh trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai theo số điều tiết cho ngân sách huyện với tỷ lệ 50% (trừ các dự án huyện làm chủ đầu tư; số thu từ giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất) cùng một số cơ chế ưu tiên đặc thù khác.
Hiện tại, công tác quy hoạch ở Núi Thành đang là vấn đề nan giải. Địa phương đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giải quyết dứt điểm các tồn tại về đất đai, quy hoạch kể từ khi thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai đến nay; tổ chức rà soát, điều chỉnh, hủy bỏ các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được duyệt nhưng không thực hiện, hoặc đã được điều chỉnh bởi đồ án khác có trùng lắp về ranh giới.
Trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB) các dự án, đất công ích 5% do các xã, thị trấn quản lý theo hồ sơ, nhưng thực tế nhân dân đã sản xuất, canh tác, sử dụng thời gian dài.
Trong khi đó, theo luật định, đất công ích 5% không được bồi thường, hỗ trợ cho dân. Điều này gây mâu thuẫn, không tạo được sự đồng thuận của nhân dân, nên việc thực hiện BT, GPMB nhiều dự án bị ách tắc, chậm tiến độ. Mặt khác, thực tế tại từng xã, thị trấn đất công ích 5% được thống kê có thể cao hơn diện tích được luật quy định. Đề nghị tỉnh kiến nghị cấp thẩm quyền nghiên cứu, có giải pháp, cơ chế tháo gỡ để cấp cơ sở triển khai tốt công tác BT, GPMB.
Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép của nhân dân diễn ra hầu khắp các xã trên địa bàn huyện, gây khó khăn trong công tác quản lý hiện trạng, quản lý đất đai, quản lý quy hoạch.
Trong khi đó, nhân sự làm công tác quản lý hiện trạng ở xã, thị trấn là cán bộ không chuyên trách (các xã miền núi không có cán bộ quản lý hiện trạng), chế độ chính sách thấp (lương 1.490.000 đồng/tháng; không có chế độ bảo hiểm), chưa động viên, tạo động lực cho cán bộ trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc.
Vì vậy đội ngũ cán bộ này thường xuyên biến động gây ảnh hưởng đến lớn việc thực hiện nhiệm vụ quản lý hiện trạng ở từng địa phương. Núi Thành đề nghị tỉnh quan tâm có cơ chế xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ này ở cấp xã (về số lượng cán bộ, lương, chế độ chính sách) để tham mưu thực hiện tốt công tác quản lý hiện trạng tại địa bàn cơ sở.
Theo Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Lê Văn Sinh, việc tỉnh quan tâm triển khai nhiều dự án, công trình là điều kiện, là động lực để Núi Thành phát triển, tạo tiền đề để huyện thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Song, việc cùng lúc thực hiện nhiệm vụ GPMB cho các công trình của tỉnh, của huyện gây áp lực về tiến độ, khối lượng công việc đến đội ngũ cán bộ làm công tác BT, GPMB, nhất là nhân sự tại Phòng TN-MT. Huyện đề nghị tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về biên chế để huyện tăng cường nhân sự làm tốt công tác này trong thời gian đến.