Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Núi Thành còn gặp rất nhiều gian khó do hậu quả chiến tranh để lại quá đổi nặng nề. Tháng 12 năm 1983 huyện Núi Thành được thành lập, trên cơ sở tách ra từ huyện Tam Kỳ, cơ sở vật chất ban đầu chẳng có gì, ngoài vành đai trắng của căn cứ quân sự Chu Lai ngày nào. Đến ngày 05/6/2003, tỉnh Quảng Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước giao trọng trách trong việc xây dựng Khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước. Địa danh Chu Lai - Núi Thành nhanh chóng được xây dựng trở thành Khu kinh tế trọng điểm của cả miền Trung. Sau 40 năm thành lập huyện Núi Thành, cùng với sự phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai thì bộ mặt các làng quê Núi Thành giờ đây đã được khởi sắc, trở thành trung tâm công nghiệp, đô thị phía Nam của tỉnh Quảng Nam.
Từ một huyện nông nghiệp thuần túy, Núi Thành đã xác định phương hướng phát triển kinh tế của huyện là chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ sang công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, quyết tâm xây dựng Núi Thành trở thành huyện công nghiệp của tỉnh Quảng Nam. Đến nay, trên địa bàn huyện Núi Thành có 2 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với 115 dự án công nghiệp đầu tư vào địa bàn, với tổng mức đầu tư 39.101 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 17.200 lao động. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn hiện nay có vốn đầu tư trong và ngoài nước là 840 doanh nghiệp, với 24.870 lao động. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn Núi Thành năm 1983 chỉ đạt 229 tỷ đồng, đến năm 2022 đã đạt 117.817 tỷ đồng. Trong đó giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng năm 1983 chỉ có 5 tỷ đồng, thì đến năm 2022 đã đạt đến 103.645 tỷ đồng. Trong 5 năm năm trở lại đây, tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn huyện hằng năm đạt từ 15 đến trên 20 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2022 đạt hơn 22.732 tỷ đồng, chiếm khoảng 68% tổng thu ngân sách của Tỉnh; với sự đóng góp đó, Núi Thành được đánh giá là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Quảng Nam.
Có thể nói, một chặng đường 40 năm thành lập huyện, cùng với sự đầu tư của Trung ương và của Tỉnh vào Khu kinh tế mở Chu Lai, thì huyện Núi Thành cũng đã tập trung đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng, đem lại hiệu quả thiết thực. Các công trình Cảng biển Kỳ Hà, Cảng Chu Lai - Trường Hải, sân bay Chu Lai, cảng cá Tam Quang, các chợ trung tâm. Hệ thống giao thông vòng xuyến Quốc lộ 1A, đường Võ Chí Công nối từ TP Hội An đến sân bay Chu Lai (Núi Thành), các tuyến giao thông trung tâm huyện đến các xã được xây dựng thông suốt và gần 200km đường giao thông nông thôn được thảm nhựa cũng như bê tông hóa, nối nhau vào đến từng cụm dân cư, từng gia đình.
Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp phát triển với nhịp độ cao, ổn định trong nhiều năm. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng, hệ thống các đập thủy lợi, kênh mương được xây dựng, đảm bảo trên 90% diện tích gieo trồng chủ động nước, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt trên 42 nghìn tấn. Năng lực khai thác, đánh bắt thủy sản không ngừng tăng về số lượng, chất lượng và giá trị. Nhân dân đóng mới nhiều tàu thuyền vươn ra khơi xa với đội tàu lớn nhất tỉnh Quảng Nam, nhờ vậy sản lượng đánh bắt hằng năm của huyện đạt cao, năm 2022 đạt trên 46.675 tấn hải sản các loại. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn toàn huyện năm 1983 chỉ đạt 17 tỷ đồng nhưng đến năm 2022 đã đạt 47.028 tỷ đồng. Mạng lưới điện được xây dựng đều khắp, 100% hộ gia đình được đáp ứng nhu cầu về điện. Các khu dân cư Tam Hiệp, 617, Chợ Trạm, thị trấn Núi Thành, Tam Anh Nam, Tam Nghĩa… được hình thành và phát triển theo mô hình đô thị. Các chợ nông thôn được xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của Nhân dân. Khu đô thị Núi Thành ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đầu tư nâng cấp mở rộng trung tâm thị trấn Núi Thành, xây dựng quảng trường trung tâm, khu công viên. Nhiều trường học, bệnh viện, trạm y tế, cơ quan làm việc được xây dựng kiên cố… Việc xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị văn minh được triển khai và đạt nhiều kết quả. Năm 2023, huyện đã có 15/15 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Văn hóa - Xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được đầu tư. Chất lượng giáo dục các bậc học chuyển biến rõ nét. Công tác đào tạo nghề được khuyến khích, đến nay đã có gần 76% lao động được đào tạo. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh ngày càng đi vào chiều sâu. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của Nhân dân được chú trọng. Việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với người có công, đối tượng xã hội đầy đủ, kịp thời; hầu hết các nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng khang trang, Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ được nâng cấp; đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm cho các gia đình có công và cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm cho hộ nghèo. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Ngày mới thành lập huyện năm 1983, Núi Thành có đến 70% số hộ nghèo, con số đó đã giảm qua hằng năm, đến nay tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,52%. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của huyện đạt 46,8 triệu đồng/ người/ năm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, đời sống. Quốc phòng tiếp tục tăng cường vững mạnh toàn diện.
Sự đột phá của Khu kinh tế mở và nội lực của chính địa phương Núi Thành đã biến vùng đất cát mênh mông trở thành một địa phương phát triển toàn diện, năng động nhất của Quảng Nam trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cùng với sự phát triển chung của Tỉnh, Núi Thành là địa phương có vai trò quan trọng, là hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam tỉnh Quảng Nam.