Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản văn hóa cùng với một số lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị lớn. Một trong số những tác phẩm nổi tiếng của Người, phải kể đến tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, được Bác viết vào năm 1947, với bút danh là X. Y. Z. Tác phẩm vừa làm tài liệu học tập, vừa động viên, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Điều đặc biệt là tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị và tầm quan trọng đối với lối sống và làm việc của dân tộc ta, về xây dựng Đảng, về công tác cán bộ, về giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên cho đến hôm nay. Sách dày 115 trang, in trên khổ 20 cm, xuất bản vào năm 2011, do Nhà xuất bản trẻ phát hành.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản lần đầu vào năm 1948, gồm 6 phần: Phê bình và sửa chữa; Mấy vấn đề kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa. Cách viết của Bác rất giản dị, lập luận chặt chẽ, ý tứ sâu sắc. Cả 6 phần của tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nêu những khuyết điểm của cán bộ đảng viên, nhưng tập trung nhất là ở:
Phần I - Phê bình và sửa chữa,
Phần III - Tư cách và đạo đức cách mạng,
Phần VI - Chống thói ba hoa.
Một nội dung rất lớn và quan trọng của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là việc giáo dục tư cách đạo đức cách mạng để người đảng viên có thể biến lý luận thành hành động cụ thể. Người kết luận: “Chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”. Chính vì vậy, trong toàn bộ 6 phần của nội dung cuốn sách thì phần “Tư cách và đạo đức cách mạng” có vị trí đặc biệt quan trọng và có độ dài nhất trong tác phẩm. Điều cốt lõi để thực hiện những nhiệm vụ đó là phải trọng lợi ích của Đảng hơn lợi ích của cá nhân. Người viết: “Vô luận thế nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng”. Trái lại những đảng viên và cán bộ nào “ham muốn địa vị, tìm cách phát tài, ra mặt anh hùng, tự cao tự đại,v.v…Đó đều là trái với lợi ích của Đảng”. Cũng trong tác phẩm này, những vấn đề về đạo đức cách mạng một lần nữa được Người phân tích, giảng giải. Theo đó, nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm là những nội dung cơ bản của tư cách đạo đức cách mạng. Tư cách đạo đức ấy là cơ sở, là cốt lõi để thực hành lý luận. Người chỉ rõ: Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư", cho nên mắc phải tính chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các chứng bệnh nguy hiểm.
Khi đánh giá vai trò của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Người viết: “Cũng giống như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Như vậy, Hồ Chí Minh cho rằng: đạo đức là cái gốc của người cách mạng, nhưng cũng cần phải nhận thức “đức và tài” có quan hệ mật thiết với nhau. Có đức phải có tài, nếu không sẽ không mang lại lợi ích gì mà còn có hại cho nhân dân. Mặt khác, phải thấy trong đức có tài, tài càng lớn thì đức phải cao, vì đức tài là nhằm phục vụ nhân dân và đưa cách mạng đến thắng lợi.
Phải khắc phục “những khuyết điểm, sai lầm”. Đó là “bệnh tham lam”, “bệnh lười biếng", "bệnh kiêu ngạo", “bệnh hiếu danh", "thiếu kỷ luật”, “óc hẹp hòi", “óc địa phương", “óc lãnh tụ”, “bệnh hữu danh vô thực", "bệnh kéo bè, kéo cánh", “bệnh cận thị", “bệnh cá nhân”, “bệnh tị nạnh", “bệnh xu nịnh, a dua”. Người nhắc nhở về bệnh sợ tự phê bình. Người đã nói thẳng: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải tự nhiên mà có, nó chỉ hình thành trong quá trình rèn luyện phấn đấu. Phải chăm bón rất khó thì mới tốt được và phải rèn luyện gian khổ mới có được. Do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Chính vì thế, tuổi trẻ Việt Nam cần tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng trên tinh thần tự nguyện, tự giác dựa vào lương tâm của mỗi người để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.
Thân mời quý độc giả tìm đọc tác phẩm Sửa đổi lối làm việc tại Thư viện huyện Núi Thành để nghiên cứu, học hỏi và rèn luyện lối làm việc ngày càng hiệu quả, để phụng sự tổ quốc và phục vụ nhân dân tốt hơn./.