Nắng tháng Tám ôm choàng lên cây, đậu trên lớp vỏ trái bưởi khiến đôi chỗ “rám” lại, như làn da cháy nắng. Tôi chợt nhớ dân gian có câu: “Nắng tháng tám rám trái bưởi”. Phải rồi, đã sang tháng Tám, tháng dùng dằng giữa hạ và thu.
Nhà tôi ở một làng quê nghèo, trước sân nhà tôi có một cây bưởi xum xuê cành lá vươn cao xỏa bóng mát với những quả nhỏ xinh. Tháng Tám, nắng chói chang, ngước lên cây trước sân nhà thấy những quả bười trên các cành ở xen trong tán lá lưa thưa. Những quả hứng đúng hướng nắng thường chín sớm và được mẹ tôi hái xuống cho cả nhà ăn và mời hàng xóm. Quả bưởi có vỏ mỏng, múi mọng, vị ngọt lịm, ăn rồi lại muốn ăn nữa. Các cô bác hàng xóm thường nói: “Bưởi ngon quá”.
Dịp Tết Trung thu, mẹ của tôi và các bác các cô hàng xóm thường bày mâm cỗ trông trăng cho trẻ con chúng tôi. Trên mâm cỗ, rất nhiều quả của mùa thu và không bao giờ thiếu trái bưởi. Những trái bưởi da rám nắng căng tròn, nhìn vỏ không đẹp lắm nhưng rất nhiều múi. Các mẹ thường “biến hóa” các múi bưởi thành con chó bông xù có đôi mắt đen lay láy rất đáng yêu. Bưởi nhà tôi cũng được góp mặt với màu vỏ vàng ươm, trái xinh xinh được các mẹ khéo tay cắt dán thêm mấy cái tai dài, râu ria thành bầy thỏ trông thật ngộ nghĩnh.
Có những ngày bưởi chín rộ, hương bưởi chín thơm sâu, ngọt ngào lan trong gió. Vỏ quả bưởi gọt ra thường được mẹ tôi cất đi, phơi khô để đun nước gội đầu. Đến giờ, tôi vẫn nhớ hương bưởi chín lưu luyến, vấn vương trên mái tóc đen dài của mẹ. Vào những ngày đông giá lạnh, mẹ tôi thường đốt một ít quả bồ kết cùng vỏ bưởi khô vào một chiếc chảo gang cũ. Làn khói thơm hương bồ kết quyện cùng vỏ bưởi lan xa trong gió đông, ướp hương vào chiếc áo mùa đông, vào tóc của chị em tôi.
Hồi nhỏ, tôi thấy bộ phận nào của quả bưởi cũng có tác dụng hữu ích. Múi bưởi làm thức ăn thanh mát. Cùi bưởi là thứ bà và mẹ thích nhất. Chọn những quả bưởi vừa phải, nằng nặng, tròn đều, gọt mỏng vỏ, sau đó khía cùi thành mảnh nhỏ, bóc nhẹ, phơi khô rồi cắt từng thanh ngắn, ăn cùng miếng trầu cho thêm vị đậm. Còn vỏ quả bưởi là thứ được dùng nhiều nhất. Vỏ bưởi phơi bờ rào cùng lá bưởi tươi, đun nước gội đầu hoặc thêm vào vị lá đun nồi nước xông sau đợt cảm cúm cảm thấy khoan khoái, dễ chịu.
Tháng Tám, tôi nhớ ngày về quê thăm ngoại. Ngay lối ngõ vào nhà ngoại có cây bưởi trĩu nặng quả. Những trái bưởi căng tròn, sà xuống thật thấp khiến tôi cứ đứng ngắm mê mải. Ngoại tôi bảo: “Đây là cây bưởi cổ, có từ thời các cụ đấy cháu ạ”. Người quê chất phác dễ mến, ngoại tôi biết tôi thích ăn bưởi nên hái thật nhiều, để lên xe làm quà. Những trái bưởi chín vàng, căng mọng, thơm ngan ngát như nhắc tôi nhớ về cội nguồn, nhớ về tình quê hương thân thương.
Bây giờ, quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác trong cả nước trồng nhiều giống bưởi mới cho hiệu quả kinh tế cao. Các miền Bắc-Trung-Nam đều lai tạo nhiều giống bưởi lai tứ thì, ra hoa trái quanh năm, năng suất, chất lượng. Giống bưởi lai còn đắt đỏ, làm giàu cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, trong ký ức, bưởi vườn nhà luôn sống trong tôi, gốc bưởi bao năm mà chưa hề thoái giống, cành lá vẫn la đà, xum xuê, quả bưởi sai trĩu trịt, lúc la lúc lỉu trong gió thu nhè nhẹ.
Thấm thoát thời gian tôi lớn lên đi học rồi đi làm xa nhà, xa những trái bưởi mùa thu dịu ngọt. Mỗi bận nghe điện thoại của mẹ nói rằng mùa bưởi vườn nhà đã trĩu quả chuẩn bị thu hoạch thì tôi lại nhớ vô cùng. Tôi thèm được trở về thời thơ bé để cùng ba mẹ đi hái bưởi, lóc cóc theo mẹ ra chợ, nghe hương bưởi thơm nồng...
Nắng tháng Tám đưa tôi ngược dòng ký ức trở về những tháng năm xa xưa. Đời người mưa nắng, ấm lạnh nối nhau theo mùa nhưng trong tim tôi luôn cất giữ những kỷ niệm thân thương. Ngoài kia, nắng tháng Tám đang ngập hiên nhà, nắng đang soi trên những trái bưởi la đà trong vườn. Dẫu có gay gắt nhưng nắng tháng Tám là dư vị đặc biệt không thể thiếu trong các tiết, các thời trong năm. Phải chăng, có đi qua những ngày nắng gắt mưa giông để ta thêm trân trọng ngày dịu mát bình an.
Xuân Thương