• Site
  • Web
Tìm
Chi tiết tin tức
Di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa - niềm tự hào của người dân Núi Thành
Người đăng: Xuân Thương .Ngày đăng: 27/02/2024 .Lượt xem: 71 lượt.
Núi Thành có những đặc thù riêng về yếu tố địa hình, với một địa hình mở ra biển, có nhiều đầm phá, trong đó phá Trường Giang là phá lớn thứ hai của Việt Nam.

Núi Thành có 17 xã, thị trấn và là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch khi sở hữu đường bờ biển kéo dài 37km với những cảnh đẹp thơ mộng, nhiều bãi biển, ghềnh đá, trong đó Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa là những điển hình tiêu biểu nhất cho giá trị di sản thiên nhiên tại vùng đất này. 

Khu vực Tam Hải nói chung, núi Bàn Than, đảo Hòn Mang, Hòn Dứa nói riêng là điểm nhấn về tài nguyên du lịch của Núi Thành. Nơi đây có các ghềnh đá phiến sẫm màu rất gây ấn tượng, các bãi biển rộng, dài, sạch, nước biển xanh trong, các rặng dừa xanh mát, con người hiền hòa, sản vật biển phong phú. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi của của cả khu vực là lớp lớp các vỉa đá phiến nhô cao ra phía biển. Các đá phiến ở đây tuy cũng có màu đen như đá ở đảo Lý Sơn nhưng như nhận định của các nhà khoa học, các chuyên gia địa chất đầu ngành, đá ở Bàn Than và các đảo Hòn Mang, Hòn Dứa là đá gốc có độ tuổi đến 400 triệu năm, được đẩy nhô lên khỏi mặt nước biển qua một đợt kiến tạo địa chất. Các pha biến dạng - kiến tạo đã làm cho các đá bị ép phiến, biến chất, dập vỡ, vò uốn, là nguyên nhân cơ bản tạo ra các gờ đá, cửa tò vò và các hình thù kỳ dị khi chúng bị phong hóa và sóng biển bào mòn. Cho đến nay, các nhà địa chất xếp các đá phiến khu vực Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa của xã Tam Hải vào loạt các phức hệ đá biến chất khu vực phân bố rộng ở các huyện Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức - Quảng Nam. Đây là sản phẩm biến chất hình thành trong quá trình hút chìm rìa phía bắc địa khối Kon Tum của Việt Nam gắn với các hoạt động kiến tạo rộng lớn giữa các mảng lục địa cổ. Vì vậy khu vực đá phiến ở các xã Tam Hải - Tam Quang có giá trị khoa học cao và đặc trưng về một giai đoạn phát triển rất căn bản và mãnh liệt của vỏ trái đất, có giá trị tham khảo đối sánh quốc tế. Đá phiến ở Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa không chỉ bộc lộ trên diện rộng mà còn được sóng biển và gió mài mòn rất sắc nét. Nhờ đó, trên mặt cắt các tập đá có thể quan sát rõ các biểu hiện thạch học, các biểu hiện biến vị của đá trong quá trình vận động biến chất và sau biến chất. Trên bề mặt các ghềnh đá, vách đá, ở mức độ rộng hơn, còn có thể quan sát thấy sự thay đổi về thành phần thạch học, các hệ thống phá hủy đứt gẫy. Tất cả được bầy rõ dưới ánh sáng ban ngày. Vì vậy nơi đây có thể được coi như một phòng trưng bày tự nhiên về thạch học và động lực đá biến chất dùng cho công tác tham quan, giáo dục đào tạo. Các khối đá thường có cấu tạo phân phiến mỏng và siêu mỏng, thế phiến đơn nghiêng đều, độ gắn kết giữa các phiến tương đối cao. Do vậy tác động của sóng, gió, thủy triều đã tạc nên các khối đá dáng hiên ngang, chắc khỏe, hình dạng kỳ vỹ. Trên bề mặt các ghềnh đá, thềm đá còn quan sát thấy các đường nét lạ mắt, hấp dẫn giống như các ký tự cổ, các đường gân đá... Ở một số vị trí, quá trình phong hóa đã làm mầu sắc các tệp phiến lóng lánh trông tựa như một khối ngân phiếu.. Các quá trình phong hóa, bóc mòn và tác động của sóng biển vào cấu trúc đá gốc đã hình thành các thềm biển, bãi biển, vách biển; nhiều dạng địa hình có hình thù độc đáo như tháp đá, nấm đá, các tảng lăn. Tại mũi đá Bàn Than có rất nhiều khối đá khổng lồ có hình thù kì dị, mà trông xa có nhiều hình dạng hấp dẫn. Từ xa nhìn mũi Bàn Than như đầu một con rồng khổng lồ đang vươn ra biển. Tất cả những điều này cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ xung quanh đã làm cho các ghềnh đá ở bán đảo Bàn Than, đảo Hòn Mang, đảo Hòn Dứa trở thành ghềnh đá phiến đặc sắc ở Việt Nam và thuộc vào loại đẹp trên thế giới.

Ở khu vực Tam Hải phát triển phong phú tầng phong hóa laterite trong đó có lớp đá ong dày 2 - 3m. Có thể gặp đá ong ở hầu hết các đồi, đảo đá phiến tại các xã Tam Quang, Tam Hải. Tất cả các vách dốc đá đều lộ đá ong mầu đỏ sậm. Đá ong khu vực này tương đối trưởng thành, đã  được khai thác làm vật liệu xây dựng. Đá có điều kiện phát triển mạnh trên các thềm đá phiến giầu sắt, ở khu vực có tác động của biển. Kiểu phát triển như thế tương đối hiếm gặp dọc bờ biển Việt Nam. Đây có thể được coi là một khu vực đặc trưng về sự hình thành đá ong trên đá phiến thuộc đới ven biển nhiệt đới. Các tảng đá ong mầu đỏ sậm lở xuống bờ biển lại làm cho quang cảnh bãi biển thêm đa dạng và đặc sắc. Như vậy, đá ong ở khu vực Tam Hải có giá trị đặc sắc về nghiên cứu khoa học và vẻ đẹp tự nhiên.

Bên cạnh đó, khu vực Tam Hải có đa dạng các loại hình bãi biển chất lượng cao, mầu sắc đẹp, nước biển xanh, hấp dẫn. Ở đây ta có thể bắt gặp 4 loại bãi biển: Bãi biển đá tảng, bãi biển sạn sỏi, bãi biển cát vàng, bãi biển cát trắng mịn với các chế độ sóng gió khác nhau từ nhẹ đến lớn. Ở Hòn Dứa có bãi biển sạn sỏi mầu vàng sáng, bãi biển đá  phiến thoải lẫn các tảng đá ong mầu đỏ sậm, sóng nhẹ. Ở Việt Nam, không có nhiều khu vực có được sự đa dạng này. Sự đa dạng về các loại hình bãi biển là thế mạnh tài nguyên rất quý đối với khu vực Tam Hải.

Trên tất cả là sự đa dạng về cảnh quan địa mạo. Đó là các loại địa hình đồi, thềm, ghềnh, bãi, vũng vịnh, cửa sông... Ở khu vực Tam Hải có 2 mức thềm biển, cao 10 - 15m và 30 - 35m, cùng 2 loại thềm: thềm mài mòn, thềm tích tụ. Các loại thềm này đều phát triển đầy đủ, thể hiện rõ nét trên địa hình, tạo nên các cảnh quan đẹp. Đó là Hòn Mang, Hòn Dứa (dạng thềm mài mòn, bằng phẳng, cao 10m). Đó là thềm tích tụ cát hình vòng cung, dài khoảng 4km, cao 6 - 15m, là nơi sinh sống của toàn bộ cư dân Tam Hải. Và xa hơn, cao hơn là các khu đồi phẳng, cao 30 - 35m (khu mũi Bàn Than, khu bãi biển Bà Tình) nơi phát triển phong phú đá ong trên đá phiến. Xung quanh các thềm này là đa dạng các vách, các ghềnh, bãi cùng các cửa sông, vũng vịnh.

Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, xã đảo Tam Hải, và đặc biệt là xung quanh khu vực danh lam thắng cảnh Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa... hiện có hơn 90ha rạn san hô, với khoảng hơn 100 loài, trong đó phần lớn là san hô gạc nai và san hô khối. Hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải có 41 loài rong biển, 168 loài cá, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế như cá hồng, cá mua, cá lượng, cùng với tôm hùm đỏ, tôm hùm sỏi và nhiều loài ốc đẹp, bên cạnh còn có một số loài thủy sinh có thể làm dược liệu. 

Khu vực các xã Tam Hải, Tam Quang và lân cận thuộc huyện Núi Thành lộ rộng rãi các đá biến chất cổ tuổi Neoproterozoi – Cambri tạo thành các vách đá, ghềnh đá, đảo nổi, rạng đá nổi và chìm rất đa dạng, đẹp mắt ở các khu vực núi Bàn Than, hòn Mang, hòn Dứa (Tam Hải) và Bãi Rạng (Tam Quang). Cùng với các bãi biển thơ mộng, các địa điểm trên tạo nên một loạt các điểm du lịch mạo hiểm, tắm biển, nghỉ dưỡng hấp dẫn. Ngoài ra các diện lộ đá biến chất cổ rất rộng rãi, đá lộ khá tươi mới không bị phủ bởi đất phong hóa, lưu giữ rất tốt thành phần, sự phân bố và quan hệ các tập đá khác nhau, các dấu vết kiến tạo như nếp uốn, khe nứt, đứt gãy… khá rõ ràng, là nơi lý tưởng cho các hoạt động du khảo về địa chất, địa lý. Các điểm lộ đá gốc ở Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa như một bảo tàng tự nhiên về hoạt động địa chất, phản ánh quá trình phát triển địa chất, là địa điểm lý thú để thăm quan du lịch, học tập nghiên cứu nhằm hiểu rõ môi trường thành tạo các loại đá, quá trình chúng bị biến đổi dưới tác động của nhiệt độ, áp suất và trường lực kiến tạo. 

Trong thời gian qua, các cấp chính quyền đã có nhiều sự quan tâm để bảo vệ và khai thác có hiệu quả nguồn di sản quý giá này. Để giảm bớt các rủi ro ngày càng đè nặng lên khu hệ sinh thái rạn san hô quanh khu vực Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa, đầu năm 2003, xã Tam Hải đã cộng tác với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển (MCD) tuyên truyền vận động bà con ngư dân tham gia hoạt động tìm hiểu giá trị của rạn san hô, làm sạch bãi biển, thành lập các tổ hạt nhân tuần tra, giám sát việc chấp hành các quy định trong khai thác, đánh bắt nguồn lợi thuỷ sản tại địa phương.Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2008, ngư dân địa phương và đặc biệt là nhóm hạt nhân đã cộng tác với các nhà khoa học của viện Hải dương học Nha Trang trồng phục hồi được 1.300 tập đoàn san hô trên 120 giá thể nhân tạo và bề mặt nền đá gốc, tại sườn Đông Nam đảo Hòn Dứa, ở độ sâu 2 - 6m trong diện tích 500m2 mặt nước, có vùng đệm bảo vệ là 5 ha. Từ 2009 đến những năm gần đây, cộng đồng xã đảo Tam Hải đã cùng với Hội Phụ nữ huyện Núi Thành thực hiện Dự án bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải, góp phần bảo vệ môi trường biển và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại địa phương, theo sự hợp tác hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu. Năm 2016, huyện Núi Thành đã thông qua "Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2025", trong đó bên cạnh việc chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa, Đề án còn chú trọng đến việc quản lý, bảo vệ và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên ở xã Tam Hải để phát triển du lịch theo hướng du lịch cộng đồng bền vững. Vào đầu tháng 08/2017, các ngành chức năng tại Quảng Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị di sản địa chất tại huyện Núi Thành” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học có uy tín nhằm đánh giá giá trị di sản địa chất, văn hóa tại Núi Thành trong đó đặc biệt lưu ý đánh giá giá trị địa chất, cảnh quan thiên nhiên của cụm di tích Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa. Từ tháng 9/2017 đến nay, sau khi được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 3411/QĐ-UBND ngày 20/9/2017, việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa đã được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. di tích đã được phân cấp cho UBND xã Tam Hải (huyện Núi Thành) trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị.Định kỳ hàng tháng, huyện Đoàn Núi Thành và đoàn thanh niên xã Tam Hải tổ chức dọn vệ sinh tại di tích này. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì trong công tác quản lý đối với di sản này còn một số tồn tại như: công tác quản lý các di sản chưa được coi trọng đúng mức, các hoạt khai thác giá trị di tích chủ yếu mang tính địa phương hoặc tự phát… 

Ngày 24/2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa. Ngày 28/2/2024 tới đây, huyện Núi Thành sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa. Tin rằng, ngay sau buổi lễ trang trọng này, bên cạnh việc thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, huyện Núi Thành và UBND xã Tam Hải sẽ nhanh chóng thành lập tổ bảo vệ di tích, xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý di sản này.

 

[Trở về]

Các tin mới hơn:
Thách thức bảo tồn biển Tam Hải (31/01/2025 )
Công an huyện Núi Thành xử lý 63 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (31/01/2025 )
Lãnh đạo huyện Núi Thành thăm và chúc tết Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (31/01/2025 )
Ngư dân Núi Thành đoàn viên cùng gia đình đón tết (31/01/2025 )
Công đoàn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tặng quà cho hộ nghèo xã Tam Sơn. (23/01/2025 )
Hải đoàn 21 Cảnh sát biển thăm, tặng quà tết ngư dân (23/01/2025 )
Lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thăm, tặng quà tết tại Quảng Nam (16/01/2025 )
"Chợ tết nhân ái" Xuân Ất Tỵ đến với người dân huyện Núi Thành (14/01/2025 )
Độc đáo bộ sưu tập đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh (13/01/2025 )
Điện lực Núi Thành – PC Quảng Nam đã sẵn sàng các phương án cần thiết để đảm bảo nguồn điện an toàn, ổn định trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. (10/01/2025 )
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Núi Thành tiếp nhận 437 đơn vị máu đợt 1/2024 (26/02/2024 )
Tin vắn (26/02/2024 )
Núi Thành khai mạc giải bóng chuyền nữ mừng Xuân Giáp Thìn (26/02/2024 )
Núi Thành trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đông y” cho 4 cá nhân (23/02/2024 )
Núi Thành: Nhiều hoạt động chào mừng Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa (23/02/2024 )
Núi Thành triển khai mở tài khoản miễn phí cho đối tượng hưởng an sinh xã hội (21/02/2024 )
Núi Thành phát động “Tết trồng cây” Xuân Giáp Thìn 2024 (20/02/2024 )
Núi Thành: Thí sinh Nguyễn Thu Diễm đoạt vương miện Hoa khôi cuộc thi “Nữ thanh niên thanh lịch” (17/02/2024 )
"Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương Tam Xuân ngày càng phát triển" (07/02/2024 )
LỊCH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO “MỪNG ĐẢNG - MỪNG XUÂN” GIÁP THÌN NĂM NĂM 2024 (07/02/2024 )
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
http://www.nuithanh.quangnam.gov.vn


Xem lịch âm